Theo đường bộ, trung tâm thành phố Cần Thơ cách Thành phố Hồ Chí Minh 169km, cách thành phố Cà Mau hơn 150km. Từ đây có thể ra biển theo đường nam sông Hậu (quốc lộ 91C) khoảng 80 km. Cần Thơ là thành phố lớn thứ tư của cả nước, cũng là thành phố hiện đại và lớn nhất của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông.
Cần Thơ nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, ít bão, quanh năm nóng ẩm, không có mùa lạnh. Mùa mưa kéo dài dao động từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 tới tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 28°C, số giờ nắng trung bình cả năm khoảng 2.249,2h, lượng mưa trung bình năm đạt 2000 mm. Độ ẩm trung bình năm dao động từ 82% - 87%. Chế độ gió có hai mùa rõ rệt là gió mùa Đông Bắc và gió mùa Tây Nam (nguồn:wikipedia).
Biểu đồ lượng mưa và nhiệt độ trung bình theo tháng của thành phố Cần Thơ (nguồn: Hikersbay)
Nhìn chung thời tiết Cần Thơ do chịu ảnh hưởng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên có lợi thế về nền nhiệt độ, chế độ bức xạ nhiệt, chế độ nắng cao và ổn định theo hai mùa trong năm.
Cần Thơ nằm toàn bộ trên đất có nguồn gốc phù sa sông Mê Kông bồi đắp và được bồi lắng thường xuyên qua nguồn nước có phù sa của dòng sông Hậu. Địa chất trong thành phố được hình thành chủ yếu qua quá trình bồi lắng trầm tích biển và phù sa của sông Cửu Long, trên bề mặt ở độ sâu 50 mét có hai loại trầm tích là Holocen (phù sa mới) và Pleistocene (phù sa cổ).
Địa hình nhìn chung tương đối bằng phẳng, phù hợp cho sản xuất nông, ngư nghiệp, với độ cao trung bình khoảng 1 – 2 mét dốc từ đất giồng ven sông Hậu, và sông Cần Thơ thấp dần về phía nội đồng tức là từ phía đông bắc sang phía tây nam. Cần Thơ nằm trong vùng đồng lũ nửa mở, có hướng thấp dần từ đông bắc xuống tây nam, bao gồm 3 dạng địa hình: đê tự nhiên ven sông Hậu (hình thành dải đất cao và các cù lao dọc theo sông Hậu); đồng lũ nửa mở (thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên, chịu ảnh hưởng lũ trực tiếp hàng năm); đồng bằng châu thổ (chịu ảnh hưởng triều là chính cùng với một số tác động tương tác của lũ cuối vụ). Bên cạnh đó, thành phố còn có các cồn và cù lao trên sông Hậu như Cồn Ấu, Cồn Khương, Cồn Sơn, Cù lao Tân Lập.
Hệ thống sông chính có tổng chiều dài trên 453 km và mạng lưới kênh rạch chằng chịt chi phối bởi hai nguồn nước chính với dòng chảy khá phức tạp là sông Hậu và sông Cái Lớn. Các kênh rạch chính: Cái Sắn, Thốt Nốt, Ô Môn, Xà No, các kênh rạch ngang dọc trải khắp địa bàn có tác dụng giao thông, cung cấp nước tưới và sinh hoạt sản xuất. Nước ngầm ở Cần Thơ có trữ lượng khoảng 1.375 ngàn m3. Mạch nước ngầm đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh nằm ở độ sâu từ 80 - 150 m. Vào mùa lũ (tháng 7 - 10 âm lịch) địa bàn thành phố Cần Thơ chịu tác động bởi hai dòng lũ chính là dòng lũ từ sông Hậu và dòng lũ từ khu Tứ giác Long Xuyên.
Hệ thống kênh đào đẹp ở Cần Thơ nhìn từ trên cao
Như đã nhắc đến ở trên, Cần Thơ có nguồn tài nguyên đất và nước rất dồi dào.
Tài nguyên đất ở đây có hai loại nhóm đất chính là đất phù sa và đất phèn. Trong đó:
- Đất phù sa chiếm 84% diện tích tự nhiên, phân bố dọc theo sông Hậu, cách sông từ 8 km đến 12 km. Gồm 5 loại: đất phù sa bồi ven sông (chiếm khoảng 1,9%), đất phù sa đốm dĩ có gley (chiếm khoảng 58%), đất phù sa đốm dĩ (chiếm khoảng 15,3%), đất phù sa loang lổ (chiếm khoảng 4,9%), đất phù sa gley (chiếm khoảng 4,1%). Đây là loại đất tốt, rất cần thiết cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp.
- Đất phèn chiếm 16% diện tích tự nhiên, gồm: đất phèn hoạt động nông (chiếm khoảng 2,5%), đất phèn hoạt động sâu (chiếm khoảng 7,0%) và đất phèn hoạt động rất sâu (chiếm khoảng 6,4%).
Tài nguyên nước: Nguồn nước mặt của thành phố Cần Thơ dồi dào nhờ có hệ thống sông ngòi và kênh rạch chằng chịt là điều kiện phát triển giao thông. Bên cạnh đó, Cần Thơ còn có nguồn nước ngầm được phân bố khá rộng. Chủ yếu ở các tầng chứa nước Pleitoxen, Pliocen, Miocen ở độ sâu 100 – 300m, nhưng có nơi 20 – 50m đã có nước ngầm, chất lượng khá tốt.
Ngoài ra, thành phố Cần Thơ còn có tài nguyên khoáng sản, tài nguyên sinh vật cũng rất phong phú và đa dạng.
Các lợi thế về điều kiện tự nhiên ở Cần Thơ rất thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của sinh vật, có thể tạo ra 1 hệ thống nông nghiệp nhiệt đới có năng suất cao, với nhiều chủng loại cây con, tạo nên sự đa dạng trong sản xuất và trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Tuy nhiên, mùa mưa thường đi kèm với ngập lũ ảnh hưởng tới khoảng 50% diện tích toàn thành phố, mùa khô thường đi kèm với việc thiếu nước tưới, gây khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt, nhất là khu vực bị ảnh hưởng của mặn, phèn làm tăng thêm tính thời vụ cũng như nhu cầu dùng nước không đều giữa các mùa của sản xuất nông nghiệp.
Bài viết đã cung cấp đến các bạn đọc những thông tin cần thiết về vị trí địa lý, khí hậu và điều kiện tự nhiên của thành phố Cần Thơ. Với địa hình bằng phẳng, khí hậu nhiệt đới gió mùa điều hòa, ít bão lụt và thiên tai được đánh giá là “Vùng đất lành” cùng với nhiều cảnh quan hữu tình và mang nhiều nét đặc trưng của văn hóa Tây Đô về ẩm thực, tín ngưỡng, nghệ thuật và lối sống. Cần Thơ ngày càng phát triển và giữ một vị trí quan trọng về các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục… của cả khu vực Tây Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.