- Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa tập trung chiếm 80 - 85% lượng mưa cả năm, tháng mưa nhiều nhất là tháng 8, 9 có lượng mưa từ 220 - 540mm/tháng, số ngày mưa 15 - 19 ngày/tháng, mùa này thường kèm theo gió bão.
Trị số độ ẩm tương đối trung bình năm dao động từ 80 - 90%, độ ẩm không khí cũng có sự chênh lệch giữa các vùng và theo mùa. Chênh lệch giữa độ ẩm trung bình tháng ẩm nhất và tháng khô nhất tới 18 - 19%; vùng có độ ẩm cao nhất là thượng nguồn sông Hiếu, vùng có độ ẩm thấp nhất là vùng núi phía Nam (huyện Kỳ Sơn, Tương Dương). Lượng bốc hơi từ 700 - 940 mm/năm.
Nghệ An chịu ảnh hưởng của hai loại gió chủ yếu: gió mùa Đông Bắc và gió phơn Tây Nam.
Gió mùa Đông Bắc thường xuất hiện vào mùa Đông từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, bình quân mỗi năm có khoảng 30 đợt gió mùa Đông Bắc, mang theo không khí lạnh, khô làm cho nhiệt độ giảm xuống 5 - 100C so với nhiệt độ trung bình năm.
Gió phơn Tây Nam là một loại hình thời tiết đặc trưng cho mùa hạ của vùng Bắc Trung Bộ. Loại gió này thường xuất hiện ở Nghệ An vào tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, số ngày khô nóng trung bình hằng năm là 20 - 70 ngày. Gió Tây Nam gây ra khí hậu khô, nóng và hạn hán, ảnh hưởng không tốt đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân trên phạm vi toàn tỉnh.
- Các hiện tượng thời tiết khác:
Bên cạnh những yếu tố chủ yếu như nhiệt độ, lượng mưa, gió, độ ẩm không khí thì Nghệ An còn là một tỉnh chịu ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới. Trung bình mỗi năm có 2 - 3 cơn bão, thường tập trung vào tháng 8 – 10 và có khi gây ra lũ lụt.
Sương muối chỉ có khả năng xảy ra ở các vùng núi cao và một vài vùng trung du có điều kiện địa hình và thổ nhưỡng thuận lợi cho sự thâm nhập của không khí lạnh và sự mất nhiệt do bức xạ mạnh mẽ của mặt đất như khu vực Phủ Quỳ.
Nhìn chung, Nghệ An nằm trong vùng khí hậu có nhiều đặc thù, phân dị rõ rệt trên toàn lãnh thổ và theo các mùa, tạo điều kiện cho nhiều loại cây trồng phát triển. Khí hậu có phần khắc nghiệt, đặc biệt là bão và gió Tây Nam gây trở ngại không nhỏ cho sự phát triển chung, nhất là sản xuất nông nghiệp.
Tỉnh Nghệ An nằm ở Đông Bắc dãy Trường Sơn, địa hình đa dạng, phức tạp và bị chia cắt bởi các hệ thống đồi núi, sông suối hướng nghiêng từ Tây - Bắc xuống Đông - Nam với ba vùng sinh thái rõ rệt: miền núi, trung du, đồng bằng ven biển. Đỉnh núi cao nhất là đỉnh Pulaileng (2.711m) ở huyện Kỳ Sơn, thấp nhất là vùng đồng bằng huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành có nơi chỉ cao đến 0,2 m so với mặt nước biển (đó là xã Quỳnh Thanh huyện Quỳnh Lưu). Đồi núi chiếm 83% diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh.
Đặc điểm địa hình trên là một trở ngại lớn cho việc phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, đặc biệt là các tuyến giao thông vùng trung du và miền núi, gây khó khăn cho phát triển lâm nghiệp và bảo vệ đất đai khỏi bị xói mòn, gây lũ lụt cho nhiều vùng trong tỉnh.
Tỉnh Nghệ An có 7 lưu vực sông (có cửa riêng biệt), tuy nhiên 6 trong số này là các sông ngắn ven biển có chiều dài dưới 50km, duy nhất có sông Cả với lưu vực 15.346 km2, chiều dài 361km. Hệ thống sông ngòi dày đặc, có độ dốc lớn, với 117 thác lớn, nhỏ là tiềm năng lớn có thể khai thác để phát triển thủy điện và điều hòa nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh. Bờ biển dài 82km, có Cửa Lò là cảng biển quan trọng của miền Trung.
Tuy sông ngòi nhiều, lượng nước khá dồi dào nhưng lưu vực sông nhỏ, điều kiện địa hình dốc nên việc khai thác sử dụng nguồn nước sông cho sản xuất và đời sống gặp nhiều khó khăn.
Tài nguyên thiên nhiên của Nghệ An rất đa dạng và phong phú, một số nguồn tài nguyên chủ yếu phải kể đến như:
- Tài nguyên rừng
Rừng Nghệ An mang nhiều nét điển hình của thảm thực vật rừng Việt Nam. Theo thống kê có đến 153 họ, 522 chi và 986 loài cây thân gỗ, chưa kể đến loại thân thảo, thân leo và hạ đẳng. Trong đó có 23 loài thân gỗ và 6 loài thân thảo được ghi vào sách đỏ Việt Nam. Rừng tập trung ở các vùng đồi núi với hai kiểu rừng phổ biến là rừng kín thường xanh, phân bố ở độ cao dưới 700m và rừng kín hỗn giao cây lá kim, phân bố ở độ cao lớn hơn 700m. Rừng Nghệ An vẫn là nguồn nguyên liệu quan trọng cho khai thác và phát triển các ngành công nghiệp. Tổng trữ lượng gỗ hiện còn khoảng 52 triệu m³, trong đó có tới 42,5 vạn m³ gỗ Pơmu. Trữ lượng tre, nứa, mét khoảng trên 1 tỷ cây.
- Tài nguyên biển
Nghệ An có bờ biển dài 82km và diện tích vùng biển 4.230 hải lý vuông, dọc bờ biển có 6 cửa lạch (lạch Cờn, lạch Quèn, lạch Thơi, lạch Vạn, Cửa Lò, Cửa Hội) với độ sâu từ 1 đến 3,5m thuận lợi cho tàu thuyền có trọng tải 50 - 1.000 tấn ra vào. Từ độ sâu 40m trở vào là vùng có đáy tương đối bằng phẳng, vùng phía ngoài có nhiều đá ngầm và chướng ngại vật, cồn cát, nơi tập trung nhiều bãi cá có giá trị kinh tế cao. Theo điều tra của Viện nghiên cứu hải sản, trữ lượng hải sản các loại Nghệ An khoảng 80.000 tấn, khả năng khai thác cho phép khoảng 35-37 nghìn tấn/năm.
Bờ biển Nghệ An có nhiều bãi tắm đẹp và hấp dẫn như bãi tắm Cửa Lò, Nghi Thiết, Cửa Hiền, Quỳnh Bảng, Quỳnh Phương,... Trong đó Cửa Lò là điểm du lịch biển hấp dẫn nhất với bãi cát trắng mịn chạy dài gần 10km, thông ra Hòn Ngư, Hòn Mắt, Đảo Lan Châu e ấp ven bờ như một nét chấm phá của bức tranh thuỷ mạc.Tất cả đã tạo ra cho Cửa Lò có một sức hấp dẫn mạnh mẽ với du khách thập phương.
Biển Cửa Lò - Nghệ An mùa du lịch
- Tài nguyên khoáng sản
Nghệ An có nhiều loại khoáng sản khác nhau, phân bố tập trung, có trên địa bàn nhiều huyện. Các loại khoáng sản của Nghệ An có chất lượng cao, nguyên liệu chính gần nguyên liệu phụ, gần đường giao thông nên rất thuận lợi cho phát triển sản xuất xi măng, gốm sứ, bột đá siêu mịn, gạch lát, sản phẩm thủ công mỹ nghệ...
Bài viết trên đây đã khái quát những thông tin về thời tiết, khí hậu của tỉnh Nghệ An- quê hương của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Bên cạnh đó hy vọng các bạn đọc chắt lọc thêm những thông tin bổ ích về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên nơi đây. Nếu có nhu cầu tìm kiếm các điểm đến mới, bỏ lại thành phố ồn ào náo nhiệt, các điểm du lịch sinh thái, gần gũi với thiên nhiên và tìm về bản sắc văn hoá truyền thống thì Nghệ An chính là một trong những xu hướng được khách du lịch lựa chọn, một điểm đến tuyệt vời không thể bỏ qua.