Trong suốt nhật thực toàn phần, khi Mặt trăng bao phủ đĩa sáng của Mặt trời, Mặt trời lúc này được bao bọc bởi ánh sáng yếu, huyền ảo được gọi là vành nhật hoa. Sự xuất hiện của lỗ vành nhật hoa là hiện tượng hoàn toàn bình thường, nhưng vị trí mới dự báo xuất hiện sắp tới là điều khiến nó trở nên độc đáo. Cùng Dubaothoitiet tìm hiểu vành nhật hoa là gì? Những ảnh hưởng đến trái đất do hiện tượng này nhé!
Vành nhật hoa hoặc nhật miện (tên tiếng anh Corona) là vành ánh sáng phát ra từ không gian xung quanh Mặt Trời. Vùng này có mật độ vật chất thấp, tán xạ bức xạ điện từ từ Mặt Trời, và tạo ra ánh sáng yếu, huyền ảo có thể quan sát khi bản thân Mặt Trời bị che khuất trong nhật thực toàn phần.
Các lỗ vành nhật hoa là các khu vực nơi vành nhật hoa của Mặt trời lạnh hơn, do đó tối hơn và có mật độ plasma thấp hơn trung bình vì có mức năng lượng và khí thấp hơn. Các lỗ vành nhật hoa là một phần của vành nhật hoa của Mặt trời và liên tục thay đổi và định hình lại vì vành nhật hoa không đồng nhất. Mặt trời chứa các từ trường cong ra khỏi các khu vực trong vành nhật hoa rất mỏng do mức năng lượng và khí thấp hơn, khiến các lỗ vành xuất hiện khi chúng không rơi trở lại. Do đó, các hạt năng lượng mặt trời thoát ra với tốc độ đủ lớn để tạo ra mật độ thấp hơn và nhiệt độ thấp hơn trong khu vực đó.
Vành nhật hoa bao gồm vùng khí quyển ở ngoài cùng của Mặt trời và mở rộng ra cả vùng không gian liên hành tinh. Nó được chia thành 3 phần đó là:
+ Vành K (K để chỉ continuum = liên tục) có mặt phân cách trực tiếp với quyển màu và được tạo ra bởi ánh sáng Mặt Trời đang phân tán các electron.
+ Vành E (E để chỉ emission = bức xạ) chứa nhiều calci và sắt.
+ Vành F (F để chỉ Fraunhofer) được tạo ra bởi ánh sáng Mặt Trời đang dồn đuổi các hạt bụi.
Các quan sát vành nhật hoa trong tia X cho thấy khí nóng ở vùng này không được phân bố một cách đồng đều mà được sắp xếp trong các vòng. Các khí này tồn tại trong trạng thái cân bằng giữa lực điện từ đẩy khí lên và lực hấp dẫn hút khí vào trong lòng Mặt Trời. Lực điện từ phụ thuộc vào từ trường Mặt Trời, do đó liên quan đến các vết đen Mặt Trời và những vùng lân cận của chúng.
Hầu hết ánh sáng mặt trời được tán xạ về phía Trái Đất trong nhật thực toàn phần là bởi các electron tự do trong vùng nhật hoa. Các electron tự do này bị bật ra khỏi các nguyên tử hiđrô bởi các vụ va chạm. Từ độ sáng của ánh sáng Mặt Trời bị tán xạ, có thể tính được mật độ của electron và của các proton trong vành nhật hoa. Với một phần điển hình của vành nhật hoa, mật độ khí có thể đạt 10−6 mật độ quang quyển, mật độ giảm dần ở phía ngoài.
Một phần khác của bức xạ từ vành nhật hoa là sự phát xạ, ở những bước sóng xác định, từ các nguyên tử bị ion hóa cao độ, như các ion sắt mất 8 đến 12 electron. Các nguyên tử bị ion hóa cao như vậy là do nhiệt độ của vành nhật hoa cao hơn 106 K. Gần như tất cả hiđro đều bị ion hóa ở nhiệt độ này. Ở nhiệt độ này, hầu hết các photon phát xạ là tia X. Bởi vậy hình ảnh của vành nhật hoa có thể thu được bằng cách sử dụng một camera tia X. Vì tia X không xuyên qua khí quyển Trái Đất nên camera tia X phải được đặt trong vũ trụ. Ngoài ra, một hiện tượng tương tự xảy ra do ánh sáng Mặt Trời bị nhiễu xạ khi truyền qua khí quyển Trái Đất tới mắt quan sát, được gọi là hiện tượng quang hoa.
Ngày 30/3, trang Global News đã đưa tin một lỗ vành nhật hoa khổng lồ có kích thước lớn gấp 20 lần Trái Đất đã xuất hiện trên mặt trời lần thứ 2 trong một tuần khiến giới khoa học cảnh báo về tác động đến địa cầu. Theo đó, lỗ vành nhật hoa này đang phóng ra bão mặt trời (bão từ) với tốc độ 2,9 triệu km/giờ và dự báo sẽ tác động đến trái đất vào ngày mai 31/3. Dự kiến vào tối 31/3 và rạng sáng 1/4 cú bắn phá dữ dội của "họng súng vũ trụ" này sẽ tiếp cận được từ quyển hành tinh.
Lỗ vành nhật hoa là một hiện tượng bình thường. Nhưng ông Daniel Verscharen, phó giáo sư vật lý không gian và khí hậu tại Đại học College London, cho biết: "Lần này đặc biệt vì nó ở gần đường xích đạo của mặt trời. Vì mặt trời quay, nên một lỗ vành nhật hoa xích đạo có thể hướng về trái đất tại một thời điểm nào đó".
"Lỗ vành nhật hoa hiện tại, lỗ lớn nhất hiện nay, có đường kính khoảng 300.000 đến 400.000 km", theo Alex Young, nhà nghiên cứu tại NASA.
Được biết, các lỗ vành nhật có thể ảnh hưởng đến từ trường, công nghệ và các vệ tinh của Trái Đất. Chúng có thể gây ra sự gián đoạn cho truyền dẫn vô tuyến tầng cao và liên lạc vệ tinh. Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ lỗ vành nhật hoa còn có khả năng làm quá tải hệ thống điện và gây mất điện.
Theo đó, gió Mặt Trời có thể thổi rất nhanh, với tốc độ hơn 800 km/giây hay 2,9 triệu km/h, theo Daniel Verscharen, phó giáo sư vật lý khí hậu và không gian tại Đại học College London. Khi tiếp cận tới Trái Đất, gió Mặt trời có thể làm hỏng các vệ tinh trên quỹ đạo, đồng thời tạo ra hiện tượng cực quang tại các vùng cực. cùng với các hoạt động năng lượng Mặt Trời đã tăng lên kể từ tháng 12/2019, dẫn đến sự gia tăng các vết đen và bão mặt trời, dự kiến sẽ đạt cực đại vào năm 2024.
Như vậy, bài viết trên đây đã giải thích khái niệm vành nhật hoa là gì cũng như cập nhật những tin tức về bão mặt trời đang xôn xao gần đây. Hy vọng những thông tin trên sẽ hữu ích cho bạn!