Là một trong những tỉnh thành nằm ở vùng núi phía Tây Bắc, khí hậu Lai Châu mang nhiều nét đặc trưng cho khí hậu miền Bắc. Vậy những nét đặc trưng đó là gì? Hãy cùng dubaothoitiet tìm hiểu Khí hậu Lai Châu, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của Lai Châu qua ngay bài viết sau đây:
MỤC LỤC
Lai Châu là một tỉnh biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, nơi đây cách Thủ đô Hà Nội khoảng 400km về phía Đông Nam, ở phía Bắc và Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, phía Tây giáp tỉnh Điện Biên, phía Đông và phía Đông Nam tiếp giáp với tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái, còn phía Nam tiếp giáp với tỉnh Sơn La.
Bản đồ hành chính của Lai Châu năm 2022
Khí hậu Lai Châu trong một năm chia làm hai mùa rõ rệt, mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10 lúc này có nhiệt độ và độ ẩm cao; mùa khô thì bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, khí hậu lạnh, độ ẩm và lượng mưa thấp (trong 12 tháng thì có tháng 4 và tháng 10 là thời gian chuyển tiếp giữa hai mùa).
Nhiệt độ không khí trung bình trong năm là 22,5oC nhưng nơi đây có sự phân hóa khá rõ rệt giữa các vùng của tỉnh: Vùng thấp ở độ cao dưới 300m có nền nhiệt tương đối cao (nhiệt độ trung bình năm khoảng 23oC); những nơi vùng cao thì có độ cao trung bình từ 300-800m so với mực nước biển, lúc này nhiệt độ ở đây đã giảm khoảng 2-3oC; còn những vùng có độ cao trên 1.500m, thì nhiệt độ không khí trung bình năm vào khoảng 16oC.
Lượng mưa trung bình của Lai Châu hằng năm dao động từ 1.600mm đến trên 3.000mm, trung bình từ 2.500-2.700mm. Lượng mưa phân bố không đồng đều theo thời gian, mưa lớn tập trung vào những tháng 6, 7, 8 chiếm đến khoảng 80% lượng mưa cả năm, và lượng mưa cũng không đều giữa các khu vực của tỉnh so có sự chênh lệch về độ cao.
Mưa lớn khiến sạt lở ở Lai Châu vào tháng 7-2021
Tỉnh Lai Châu là khu vực chịu ảnh hưởng chính của gió Tây và Đông Nam nhất trong các tỉnh năm trong khu vực Tây Bắc, nhưng cũng ít chịu ảnh hưởng của bão và gió mùa Đông Bắc. Ở các thung lũng, tốc độ gió giảm đáng kể so với các khu vực cao, do địa hình đồi núi ảnh hưởng.
Tỉnh Lai Châu được thống kê theo số liệu 2022 có 9.068,78 km2 diện tích tự nhiên.
Lai Châu có địa hình được tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, nơi đây có nhiều đỉnh núi cao như đỉnh Pu Sa Leng cao 3.096m. Núi đồi ở đây cao và dốc, xen kẽ rất nhiều thung lũng sâu và hẹp, phía Đông là dãy núi Hoàng Liên Sơn, phía Tây là những dãy núi bên bờ Sông Mã, giữa hai dãy núi trên là phần đất thuộc vùng núi thấp rộng lớn thuộc lưu vực sông Đà với rất nhiều cao nguyên đá vôi chạy dài 400km từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Quan Sơn, Quan Hóa…(Thanh Hoá).
Lai Châu có nhiều cao nguyên, sông suối và sông có nhiều thác ghềnh, dòng chảy với lưu lượng lớn nên có tiềm năng thuỷ điện rất lớn. Và có 265,095km đường biên giới giáp với Trung Quốc, nơi đây là tỉnh có vị trí quan trọng về địa lý và an ninh quốc phòng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Với tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh Lai Châu là 9.065,123 km2, nơi đây chủ yếu là các loại đất đỏ và vàng nhạt phát triển trên đá, cát, đá sét và đá vôi, nên có kết cấu khá chặt chẽ.
Đất nông nghiệp đã được khai thác sử dụng khoảng 64.299,9 ha, chiếm 7,09% trên tổng diện tích đất tự nhiên, và trong đó đất ruộng lúa, màu là 13.781,44ha, đất nương rẫy là 32.225,91ha, đất trồng cây hàng năm khác là 7.898,56 ha, đất trồng cây chè (cây lâu năm chủ yếu) là 3.066,88 ha, đất vườn hỗn tạp là 1.093 ha, đất đồng cỏ để chăn nuôi 5.978 ha, mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản 409 ha.
Đất lâm nghiệp đang có rừng là 283.667 ha, Lai Châu có độ che phủ rừng đạt 31,3%, đa số là rừng phòng hộ, trong đó rừng tự nhiên chiếm 274.651 ha, còn rừng trồng chiếm 9.015,94 ha.
Đất chuyên dùng được sử dụng có khoảng 4.489,61 ha, trong đó đất để lưu thông giao thông chiếm 2.982,52 ha, đất xây dựng chiếm 377,26 ha, đất ở chiếm 1.918,443 ha.
Diện tích rừng và đất rừng của Lai Châu chiếm tới 35% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh, nơi đây toàn được xếp thuộc loại rừng nhiệt đới với quần thể thực vật rất phong phú, trong đó có nhiều loại gỗ quý có nhiều giá trị kinh tế cao như lát, trò chỉ, nghiến, táu, pơ mu…các loại thảo dược có tính chữa bệnh cao như thảo quả, cọ khiết (cây cánh kiến), song, mây, sa nhân…và gồm rất nhiều loại động vật quý hiếm như tê giác, bò tót, vượn, hổ, công, gấu…
Thảo quả nguồn lợi giúp cho dân Lai Châu kiếm tiền tỷ
Lai Châu là vùng thượng lưu sông Đà, nơi đây lượng mưa rất lớn nên mật độ sông suối cao từ 5,5- 6 km/km2, ngoài ra còn có rất nhiều sông, suối khác có lưu lượng nước lớn như:
+ Sông Nậm Na (diện tích lưu vực khoảng 2.190 km2) chảy qua địa bàn gồm toàn bộ huyện Phong Thổ, khu vực Tam Đường và phần tây Bắc của Sìn Hồ với mô đun dòng chảy trung bình 40-80 m3/s.
+ Sông Nậm Mạ chảy qua toàn bộ các xã vùng thấp như huyện Sìn Hồ, tổng diện tích lưu vực khoảng 930 km2, khu vực này độ dốc khá nhỏ, chế độ dòng chảy thuận, nên vận tốc chảy cao.
+ Sông Nậm Mu chảy dọc theo các thung lũng Bình Lư, Than Uyên có diện tích lưu vực khoảng 170 km2, vận tốc chạy cao đặc biệt vào những mùa lũ về.
Thủy điện Lai Châu là công trình quan trong liên quan đến an ninh quốc gia
Nước mặt cũng là nguồn tài nguyên lớn để phục vụ sản xuất và sinh hoạt, đồng thời đây cũng là nguồn thuỷ năng lớn để phát triển thuỷ điện, trong đó có thuỷ điện Lai Châu, thuỷ điện Huổi Quảng, thủy điện Bản Chát và khoảng 20 công trình thuỷ điện nhỏ khác.
Lai Châu có tới hơn 120 điểm khoáng sản, với chủng loại rất phong phú, và phân bố hầu hết khắp ở các địa phương: đất hiếm (trữ lượng trên 20 triệu tấn) tập trung ở xã Nậm Xe (Phong Thổ); với các điểm quặng kim loại màu (đồng, chì, kẽm) với trữ lượng cao khoảng 6.000-8.000 tấn tập trung ở những nơi khu vực như Sin Cai, Bản Lang, Tam Đường; các điểm có quặng sắt (Huổi Luông-Sìn Hồ), quặng đồng (Ma Ly Pho-Phong Thổ), quặng nhôm (Nậm Mạ - Sìn Hồ)…vàng thì có những nơi như Chinh Sáng, Bản Bo (Tam Đường), Noong Hẻo, Pu Sam Cáp (Sìn Hồ); nguyên vật liệu để xây dựng: đá lợp, đá vôi, đá đen, đá trắng, trong đó có trữ lượng lớn đá vôi, và hàm lượng oxit canxi cao có thể phát triển công nghiệp sản xuất xi măng với quy mô khá lớn; nước khoáng với các điểm ở như ở Vàng Bó, Mường So (Phong Thổ), Nà Đông, Nà Đon (Tam Đường), Vàng Bơ (Than Uyên)…
Lai Châu là vùng đất của những hang động tuyệt đẹp nằm sâu trong lòng núi, có những ngọn đèo hiểm trở cheo leo, có những thác nước ẩn mình trong rừng xanh thẳm hay những điệu xòe Phong Thổ, và hình ảnh mộc mạc trước hiên nhà của người phụ nữ dân tộc Mông đang ngồi khâu váy, áo, trên tay họ là những bộ trang phục rực rỡ, hoa văn, họa tiết rất tinh xảo.Tất cả hòa quyện vào với mây trời đẹp đẽ tạo nên một bức tranh phong cảnh hoang sơ, hữu tình giữa miền rẻo cao Tây Bắc. Đây sẽ là một trong số những điểm đến hứa hẹn mang đến cho người đến một hành trình trải nghiệm mới lạ.
Một số địa điểm đẹp của Lai Châu:
Động Pu Sam Cap.
Cao nguyên Sìn Hồ - nóc nhà Lai Châu
Chợ phiên Tam Đường Đất.
Như vậy, Dubaothoitiet đã cung cấp thông tin về tỉnh Lai Châu, khí hậu Lai Châu và những điều kiện tự nhiên của tỉnh. Hy vọng, qua bài viết sẽ giúp nhiều bạn đọc có được những thông tin cần thiết.